Báo cáo PEFA là khung đo lường hiệu quả hoạt động quản lý tài chính công, hỗ trợ quốc gia phát triển bền vững. Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính Việt nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương thực hiện báo cáo này, với sự giúp đỡ, đồng hành về kỹ thuật và tài chính của Ban Thư ký PEFA, Chính phủ Thụy Sỹ, Chính phủ Canada và Ngân hàng thế giới, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam.
Báo cáo PEFA lần đầu được thực hiện vào năm 2011 và công bố vào tháng 7/2013. Từ những vấn đề phát hiện và khuyến nghị cải cách nêu tại báo cáo PEFA 2011, hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là về cải cách thể chế, với việc ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quản lý tài chính công; quy trình quản lý tài chính công ngày càng công khai, minh bạch; cơ sở dữ liệu, thông tin về tài chính - NSNN cũng kịp thời và đầy đủ hơn.
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo PEFA lần này bắt đầu được triển khai từ tháng 2/2021 và hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2024, dựa theo tiêu chuẩn đánh giá PEFA 2016 . Kết quả đánh giá đã được các chuyên gia quốc tế từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu – EU, Tổng cục kinh tế nhà nước Thụy Sĩ – SECO và Ngân hàng Thế giới thẩm định và được Ban Thư ký PEFA cấp chứng nhận "PEFA CHECK" (đáp ứng các yêu cầu chất lượng của PEFA). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép công bố Báo cáo này.
Trong 31 chỉ số đánh giá PEFA, Việt Nam đạt 4 điểm A, 8 điểm B và B+, 8 điểm C+, 11 điểm D và D+. So với các quốc gia trong khu vực tham gia đánh giá theo Khung PEFA 2016, Việt Nam có số điểm A và điểm B+ ở mức cao (11/31 chỉ số), xếp sau Mông Cổ (16/31 chỉ số), Indonesia và Philippines (14/31 chỉ số), xếp hạng trước Myanmar, Campuchia, Đông Timor và Lào.
Kết quả đánh giá cho thấy, thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, đáng chú ý là: phạm vi ngân sách được xác định đầy đủ theo thông lệ quốc tế; kỷ cương kỷ luật tài khóa được tăng cường, nợ công giảm, quản lý ngân quỹ có tiến bộ, khả năng tiếp cận thông tin tài khóa của các tổ chức, người dân được cải thiện; hiệu quả sử dụng ngân sách từng bước được nâng cao…..
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Báo cáo thì công tác quản lý tài chính công hiện nay cũng còn một số điểm yếu, cần có giải pháp xử lý phù hợp, trong đó phải chú trọng cải thiện công tác xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm để đảm bảo tính tin cậy và khả năng tiên liệu của dự toán ngân sách; tăng cường minh bạch về tài chính công theo hướng cung cấp các thông tin tài khóa theo chuẩn mực Thống kê tài chính Chính phủ (GFS); báo cáo quản lý rủi ro tài khóa cần được cập nhật hằng năm và sử dụng để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn cũng như dự toán NSNN năm,…
Từ những điểm mạnh, điểm yếu và những khuyến nghị rút ra qua Báo cáo PEFA lần này; trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng tăng cường quản lý tài chính công hiệu quả, minh bạch đã đề ra trong Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2030; thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tạn, hạn chế trong công tác quản lý tài chính công để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính – NSNN, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Nhật Hà